Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải chủ trì hội nghị Thành ủy TPHCM lần thứ 9

Ngày 12-4, Hội nghị BCH Đảng bộ TPHCM lần thứ 9 (khóa IX) khai mạc dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ chính Trị, Bí thư Thành ủy TPHCM.

Hội nghị đã nghe đồng chí Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, đọc Tờ trình dự thảo Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2010 và thảo luận sôi nổi về những nội dung trên.

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải trao đổi cùng các đại biểu tại Hội nghị Thành ủy. Ảnh: V.Dũng

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải trao đổi cùng các đại biểu tại Hội nghị Thành ủy. Ảnh: V.Dũng

Trong 10 năm qua, ngoài việc giữ vững ổn định chính trị – xã hội, kinh tế TPHCM tăng trưởng khá cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng dần tỷ trọng các ngành có giá trị gia tăng; quy mô kinh tế tiếp tục được mở rộng, đóng góp tích cực quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ngoài ra, TPHCM luôn chú trọng nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng cải thiện kết cấu hạ tầng, phát triển các khu đô thị mới; chăm lo phát triển văn hóa – xã hội, giáo dục – đào tạo; giữ gìn an ninh chính trị và trật tự xã hội.

Về xây dựng Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Đua nêu rõ, công tác này được tăng cường; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ TPHCM được nâng lên một bước; hệ thống chính trị không ngừng được củng cố và hoạt động ngày càng hiệu quả. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với vị trí, vai trò của TP. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh chưa cao; kết cấu hạ tầng yếu kém và ngày càng quá tải; phát triển văn hóa chưa tương xứng với vị trí và tiềm năng của TP; chất lượng nguồn nhân lực chưa tương xứng với yêu cầu phát triển và hội nhập. Công tác xây dựng Đảng còn một số mặt hạn chế, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu, giảm sút ý chí chiến đấu. Nhưng nhìn cả quá trình 10 năm thực hiện Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị, TPHCM đã đạt được những thành tựu quan trọng và khá toàn diện.

Hệ thống giao thông tại TPHCM không ngừng được hoàn thiện. Ảnh: Thái Bằng

Hệ thống giao thông tại TPHCM không ngừng được hoàn thiện. Ảnh: Thái Bằng

Về mục tiêu tới năm 2020, đồng chí Nguyễn Văn Đua nhấn mạnh, TPHCM tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, phấn đấu bền bỉ, năng động, sáng tạo, đoàn kết, vượt khó, chủ động nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, phát triển TP nhanh và bền vững với chất lượng và tốc độ cao hơn mức bình quân chung của cả nước, làm tốt vai trò đầu tàu Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng TPHCM thành thành phố xã hội chủ nghĩa văn minh, hiện đại, đóng góp ngày càng lớn với khu vực phía Nam và cả nước, từng bước trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ lớn của đất nước và khu vực Đông Nam Á; đóng góp tích cực cùng cả nước đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Trong 10 năm tới, TPHCM phấn đấu đưa tốc độ tăng trưởng bình quân 12%/năm, cao hơn 1,5 lần mức tăng trưởng bình quân của cả nước; GDP bình quân đầu người vào năm 2020 đạt khoảng 8.500 USD. Một trong 6 giải pháp cơ bản là TPHCM tiếp tục thúc đẩy phát triển 9 nhóm ngành dịch vụ, 4 ngành công nghiệp và cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư.

Tiếp đó, hội nghị nghe và thảo luận báo cáo kết quả công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, vận động nhân dân ở TPHCM năm 2011.

Hôm nay 13-4, hội nghị tiếp tục làm việc

Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải: Tập trung nguồn lực kinh tế – xã hội chăm lo cho dân

“Tính đến thời điểm này, những khó khăn, bất ổn nhất của tình hình kinh tế đã phần nào được tháo gỡ. Tâm lý chung của người dân đã chuyển từ lo lắng sang hy vọng về sự phục hồi của nền kinh tế. Điều này chứng tỏ các nhóm giải pháp mà Chính phủ và TPHCM triển khai đã phát huy tác dụng. Trong quá trình thực hiện, tinh thần chung của TPHCM là vì nhân dân phục vụ, cái gì gây khó cho dân phải hết sức tránh” – đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ chính Trị, Bí thư Thành ủy TPHCM phát biểu tại phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa IX vào chiều 13/4.

Kinh tế từng bước ổn định hơn

Nhận định về tình hình kinh tế – xã hội TP quý I-2012, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải cho rằng: Những vấn đề kinh tế gay gắt đặt ra vào đầu năm 2011 như chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng cao (trên 2%/tháng), VND mất giá, giá nhiên liệu thực phẩm tăng cao, lãi suất tín dụng tăng…đã gây bất ổn kinh tế vĩ mô, mất niềm tin vào thị trường, đến nay đã không còn quá gay gắt.

TPHCM luôn thực hiện các giải pháp chăm lo cho người nghèo. Trong ảnh: Đồng chí Lê Thanh Hải thăm một gia đình nghèo ở huyện Củ Chi.
Cụ thể, đến hết quý I, mặc dù GDP cả nước có tốc độ tăng trưởng chậm so với cùng kỳ (4% so với 5,57%) nhưng CPI đã được kiềm chế còn 2,55% so với 6,25% vào cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức tăng của cả nước. Riêng tháng 3/2012 chỉ tăng 0,12%, thấp nhất tính từ năm 2010 đến nay. Đây là kết quả nỗ lực của TP trong bình ổn giá, kiểm soát đầu cơ.

Lãi suất tín dụng đã có xu hướng giảm dần, dù chậm. Xuất khẩu vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng cao, tăng 27,6% so với cùng kỳ. Những nỗ lực trong việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 đang diễn ra và còn nhiều khó khăn, nhưng cả hệ thống đang đi vào xu hướng ổn định và an toàn.

Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải cho rằng dù lạm phát đã được kiềm chế nhưng nguyên nhân sâu xa từ cơ cấu kinh tế vẫn chưa được khắc phục. Tháng 5 tới đây, khi mức lương cơ bản một lần nữa được điều chỉnh, khả năng mặt bằng giá cả tăng sẽ làm cho việc kiểm soát CPI ở mức 1 con số, khoảng từ 8% – 9% trong năm 2012 vẫn là thách thức không thể chủ quan. Đến thời điểm này, có thể nói mức tăng trưởng GDP trong quý I/2012 đã là chạm đáy, 3 quý còn lại trong năm 2012, kinh tế tuy tăng trưởng chậm nhưng sẽ khá hơn.

Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Sau khi nhận định về tình hình chung của cả nước, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải chỉ đạo, nhiệm vụ trọng tâm của TP trong quý 2 và cả năm 2012 là tập trung khai thác mọi tiềm năng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, khai thác thị trường, nhất là 4 nhóm ngành công nghiệp và 9 nhóm ngành dịch vụ – vốn là thế mạnh của TP.

“Trung ương tiếp tục chủ trương ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô không chỉ trong năm 2012 mà có thể trong một số năm tiếp theo, nên TPHCM vẫn phải tiếp tục các giải pháp kiềm chế lạm phát đang thực hiện như đa dạng hóa các hình thức bình ổn giá mặt hàng thiết yếu và chống đầu cơ, phòng ngừa những tin đồn thất thiệt gây tâm lý bất ổn mà TP đã có kinh nghiệm thực tiễn trong những năm qua” – đồng chí Lê Thanh Hải nhấn mạnh.

Về nhiệm vụ tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải chỉ đạo: Chính quyền TP phải thật sự đồng hành cùng doanh nghiệp trong lúc khó khăn. UBND TP cần lập các tổ công tác, mỗi Phó Chủ tịch UBND TP phụ trách một tổ để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp vì hỗ trợ doanh nghiệp chính là chăm lo người lao động.

Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP (HFIC) chủ trì phối hợp với Quỹ bảo lãnh tín dụng TP và Quỹ bảo lãnh tín dụng của Trung ương thực hiện chương trình hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các đơn vị kinh tế tập thể để duy trì và mở rộng sản xuất; đặc biệt là nguồn vốn lưu động để sản xuất hàng xuất khẩu, thu mua chế biến nông – lâm – thủy – hải sản…

Đồng chí cho rằng, phải đặt ra mục tiêu, không để doanh nghiệp đang có thị trường, có đầu ra nhưng do thiếu vốn phải hạn chế hoạt động, phải tạm ngưng sản xuất, phải dừng đầu tư. UBND TP nhanh chóng hoàn thiện, trình đề án tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế TP cho Ban Thường vụ Thành ủy trong tháng 4/2012.

Đảm bảo an sinh xã hội bằng chương trình cụ thể

Vấn đề an sinh xã hội đang đặt ra thách thức lớn đối với TP. Đồng chí Lê Thanh Hải phân tích: Do tác động của lạm phát liên tục từ năm 2007 đến nay nên thu nhập thực tế của người dân, đặc biệt là những người làm công ăn lương, cán bộ nghỉ hưu, diện chính sách, tầng lớp nghèo đô thị, địa bàn nông thôn… giảm sút rất lớn. Mặc dù năm 2012, TP có thể thực hiện quyết tâm kéo giảm CPI xuống một con số nhưng đời sống người dân vẫn tiếp tục khó khăn.

Do đó, từ kinh nghiệm thực hiện công tác an sinh xã hội trong các năm qua, TP cần xây dựng một chương trình an sinh xã hội bao gồm nhiều mặt và theo từng đối tượng để thực hiện ngay trong năm 2012, trên cơ sở vận dụng sáng tạo các chính sách bảo đảm an sinh xã hội của Chính phủ.

Đồng chí Lê Thanh Hải yêu cầu phải rà soát, đánh giá thực chất tình trạng các hộ nghèo và cận nghèo, tình trạng tái nghèo ở nông thôn và một số địa bàn đô thị để có những biện pháp giảm nghèo thật sự. Các quận, huyện, phường, xã phải nắm chắc địa bàn, nắm rõ từng hộ để huy động cả hệ thống chính trị tham gia công tác giảm nghèo. Đồng thời, sớm xác định đối tượng cận nghèo, đề ra các tiêu chí thích hợp và UBND TP phải trình Ban Thường vụ Thành ủy trong tháng 5/2012.

Về tình hình giao thông, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải nhấn mạnh: TP đã đề ra chỉ tiêu giảm 10% trong năm 2012, do đó phải phấn đấu làm cho kỳ được nhằm tạo đà cho các năm sau. Đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. TP phải chọn giải pháp ít gây xáo trộn, ảnh hưởng đến người dân nhất. Chẳng hạn như chọn thực hiện trước những giải pháp củng cố phát triển hệ thống giao thông công cộng, đầu tư cơ sở hạ tầng, không đẩy cái khó cho dân.

Theo (hcmcpv)

Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải: Sớm ổn định cuộc sống người dân

Ngày 3-4, đoàn Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ TPHCM do Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải dẫn đầu đã đến thăm hỏi bà con huyện Cần Giờ bị ảnh hưởng của bão số 1.

Lãnh đạo huyện Cần Giờ cho biết, 2 xã bị thiệt hại nặng nề nhất là Bình Khánh và An Thới Đông. Trong số 29 căn nhà bị sập hoàn toàn của huyện, có 23 căn ở 2 xã này.

Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải

Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải

Đồng chí Lê Thanh Hải đã đi thăm 4 hộ dân có nhà bị sập thuộc diện xóa đói giảm nghèo gồm gia đình Trần Lam Phương, Trần Thanh Trang (ấp Bình Lợi, Bình Khánh) và Đặng Thị Loan, Phạm Văn Nghê (ấp An Đông, An Thới Đông).

Tại những nơi này, đồng chí Lê Thanh Hải tặng mỗi hộ 30 triệu đồng để xây lại nhà mới. Đồng thời, đồng chí yêu cầu chính quyền địa phương và các ban ngành hỗ trợ bà con nhanh chóng phục hồi sản xuất, cho con em tiếp tục đi học, tạo điều kiện để bà con sớm ổn định cuộc sống…

Chiều cùng ngày, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải tiếp tục đi thăm và cứu trợ bà con huyện Củ Chi bị thiệt hại do bão số 1. Dù nằm trong đất liền nhưng Củ Chi có 347 căn nhà bị hư hỏng, trong đó 3 căn nhà bị sập, 110 căn bị tốc mái hoàn toàn, 1 nhà bị cháy do cây ngã làm chập điện. Đáng tiếc, có trường hợp cây ngã đè lên chòi lá làm 1 người thiệt mạng và 1 người bị thương khi đang ngủ vào tối 1-4 ở xã Tân Phú Trung.

Đồng chí Lê Thanh Hải đến thăm 3 hộ dân có nhà bị sập ở Trung An và Tân Thạnh Đông, sau đó ghé thăm, chia buồn và hỗ trợ gia đình có người thiệt mạng 25 triệu đồng.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Tô Từ Nguyên, các xã đã huy động lực lượng dân quân tự vệ, công an và xã đội dọn dẹp cây xanh ngã đổ để đảm bảo an toàn giao thông và giúp dân lợp lại mái nhà, ổn định cuộc sống. Trong đó các xã Tân Thạnh Tây, Bình Mỹ, Nhuận Đức, Tân Phú Trung đã cơ bản khắc phục hậu quả bão số 1. Cũng như huyện Cần Giờ, những trường hợp hộ dân có nhà bị sập thuộc diện xóa đói giảm nghèo sẽ được xây dựng lại theo diện nhà tình thương để người dân sớm ổn định cuộc sống.